Chuyện lạ Lâm Đồng: Trồng giống bơ 034 "mồ côi", mỗi năm thu 6 tỷ - 24h

Chuyện lạ Lâm Đồng: Trồng giống bơ "mồ côi", mỗi năm thu 6 tỷ

Thứ Ba, ngày 30/04/2019 11:30 AM (GMT+7)

Với hơn 2.000 cây bơ giống 034 trồng xen canh cà phê và chè, cùng với việc bán giống bơ, gia đình ông Nguyễn Văn Dậu (51 tuổi, ngụ tổ 1, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) đã có thu nhập gần 6 tỷ đồng/năm. Điều đặc biệt, giống bơ 034 này ông Dậu lấy giống từ cây bơ đầu dòng độc nhất vô nhị-cây bơ "mồ côi".

Sự kiện: 

Kinh Doanh

Từ cây bơ lạ "mồ côi" mọc trong vườn nhà
Cuối tháng 4 nắng nóng, chúng tôi đã có dịp ghé thăm nhà ông Nguyễn Văn Dậu, người sở hữu cây bơ 034 đầu dòng duy nhất trên cả nước.
Nằm ở cuối con hẻm nhỏ, nhà ông Nguyễn Văn Dậu không khỏi khiến chúng tôi bất ngờ khi được bao quanh bởi vườn bơ sai quả.
Quê gốc ở Hà Nội, năm 1991, ông Nguyễn Văn Dậu vào đất Bảo Lâm lập nghiệp. Nhờ làm lụng, chắt chiu ông mua được 4.000m2 vườn cà phê.
Chuyện lạ Lâm Đồng: Trồng giống bơ "mồ côi", mỗi năm thu 6 tỷ - 1
Ông Nguyễn Văn Dậu, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng bên 1 cành bơ 034 sai trĩu quả trong vườn nhà.
Dẫn PV Dân Việt đi thăm cây bơ mà ông Dậu cho biết cây bơ này đã 39 tuổi, ông kể: “Khi đi thăm vườn, tôi thấy có một cây bơ “mồ côi”, thân cao vút, sần sùi nhưng cứng cáp, quả lại dài lạ, không giống những loại bơ thường. Đến năm 1993, cây bơ này cho trái, cơm vàng, ăn rất dẻo, cho mọi người ăn thử, ai cũng khen ngon. Hồi ấy, 1kg bơ này, thương lái trả 7.000 đồng, trong khi tiền công một ngày như công nhân làm ở nhà máy chè như chúng tôi chỉ được có 6.000 đồng”
Thấy được lợi ích kinh tế từ cây bơ lạ-cây bơ "mồ côi" như cách nhiều người gọi, ông Dậu cùng vợ tìm cách nhân giống. Từ cách ươm cây bằng hạt truyền thống, đến bó đất chiết cành, tuy nhiên mọi nỗ lực của vợ chồng ông đều thất bại. Không nản chí, ông Dậu đã thử phương pháp ghép chồi của cây đầu dòng lên loại bơ bình thường và kết quả cây con đã phát triển tốt.
Chuyện lạ Lâm Đồng: Trồng giống bơ "mồ côi", mỗi năm thu 6 tỷ - 2
Những cây bơ 034 ghép trong vườn của gia đình ông Dậu.
Từ đó, mỗi năm, ông Dậu chọn khoảng 6.000 mắt chồi khỏe, đẹp từ cây đầu dòng để tiến hành ghép chồi bơ giống.
Tháng 6.2009, ông Dậu cùng vợ lựa chọn 20 trái bơ đẹp nhất để đưa ra thành phố Bảo Lộc dự thi, trong cuộc thi do Trung tâm nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng tổ chức. Nhờ ưu thế vượt trội về chất lượng, bơ của nhà ông Dậu với mã số 034 đã đạt được giải Nhì (cuộc thi không có giải Nhất). Cái tên giống bơ 034 cũng bắt đầu xuất hiện từ thời điểm đó.
Đến đây nhiều người mới biết, thì ra giống bơ nhiều người hay gọi là bơ 034 có nguồn gốc xuất xứ từ vườn nhà ông Nguyễn Văn Dậu và từ một cây bơ mồ côi mọc trơ trọi giữa vườn. Cái tên 034 là mã số những quả bơ quý mà gia đình ông Dậu mang đi thi cách đây 10 năm.
Đến thu 6 tỷ trên năm nhờ bơ 034
Từ một cây bơ đầu dòng ban đầu, đến nay, gia đình ông Dậu đã có trên 2.000 gốc bơ 034 với sản lượng trên 40 tấn một năm. Với giá trung bình vào mức trên 70 ngàn đồng/1kg, ông Dậu thu về trên 3 tỷ đồng mỗi năm từ bán bơ trái. Có được thành quả đó, là quá trình vợ chồng ông Dậu học hỏi, rút kinh nghiệm không ngừng khi trồng bơ 034.
Ông Dậu cho biết: “Muốn cây bơ nói chung và bơ 034 phát triển tốt, ngoài cây giống đạt chuẩn, kỹ thuật chăm sóc  bơ cũng vô cùng quan trọng. Cây bơ là loại không chịu được úng nước, khi trồng cần phải trồng nổi (vun đất nổi lên như hình cái đĩa úp). Làm như vậy khi mưa xuống đất sẽ được nén lại, cây bơ sẽ không bị chết”.
Chuyện lạ Lâm Đồng: Trồng giống bơ "mồ côi", mỗi năm thu 6 tỷ - 3
Ông Nguyễn Văn Dậu, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng bên một cành bơ 034 sai trĩu quả ngay sát sân nhà. Những cây bơ ngay sát sân nhà khi có khách tới thăm ai cũng đều trầm trồ tấm tắc trước những chùm bơ trái nặng trĩu.
Theo kinh nghiệm trồng bơ của ông Dậu, nếu trồng đất trống, cần phải đảo tơi đất từ 70cm đến 1m đất. Trong mỗi hố trồng bơ, người trồng tiến hành trộn từ 3 - 5kg phân bò, 0,5kg vôi cùng 0,5kg lân để bổ sung chất dinh dưỡng ban đầu cho cây phát triển. Nếu trồng bơ xen cà phê, nên trồng 2 hàng cà phê xen một hàng bơ, cây cách cây khoảng 8 mét. Ngoài ra, để chống mối và côn trùng, mỗi cây bơ con khi xuống giống thì nên bỏ thêm 3 - 5 hạt băng phiến. Vào năm đầu tiên, mỗi tháng nên “mồi” cho cây con 1 muỗng cà phê kali.
Về kỹ thuật trồng bơ, ông Dậu cho hay, để cây bơ 034 cho sản lượng cao, người trồng nên tỉa thông thoáng cành, không được cuốc gốc. Ông Dậu chia sẻ bí quyết: “Cây bơ 034 càng hở rễ thì lại càng đậu trái nhiều, gốc cây lúc nào cũng phải thông thoáng, không có cỏ rác, như thế cây bơ mới đậu quả cao. Vì vậy chúng ta không nên xịt thuốc cỏ mà cố gắng nhổ cỏ bằng tay...”.
Đến khi trái bơ ước chừng được 1 – 2 lạng, người trồng bơ 034 nên tiến hành bón phân bón lá và dưỡng quả. Loại phân ông Dậu dùng chủ yếu là lân và kali, cùng một số loại phân hữu cơ. Thời gian từ lúc bơ 034 ra hoa đến lúc thu hoạch là khoảng 4 tháng.
Chuyện lạ Lâm Đồng: Trồng giống bơ "mồ côi", mỗi năm thu 6 tỷ - 4
Cận cảnh một chùm bơ đẹp mã trong vườn nhà ông Dậu. Những quả bơ 034 đã mang lại cho gia đình ông Dậu thu nhập khoảng 3 tỷ đồng.
Khi bơ 034 đã được khoảng 3 năm tuổi, cây bắt đầu cho thu hoạch khoảng 1,2 tạ/ năm. Từ năm thứ 4 trở đi, mỗi cây bơ 034, nếu chăm tốt và đúng kỹ thuật sẽ cho sản lượng khoảng từ 2 đến 3 tạ bơ/năm. Là loại ít sâu bệnh, nhưng trung bình một năm vẫn nên xịt thuốc định kì từ 2 - 4 lần để phòng bệnh như sâu cắn lá, thối rễ...cho cây bơ 034. Nhờ nắm vững kỹ thuật, mỗi cây bơ 034 nhà ông Dậu cho sản lượng gần 3 tạ quả. Bơ to, trái đẹp, chất lượng cao nên được thị trường ưa chuộng.
Chuyện lạ Lâm Đồng: Trồng giống bơ "mồ côi", mỗi năm thu 6 tỷ - 5
Nhiều người đến vườn của ông Dậu để học hỏi kinh nghiệm trồng bơ 034.
Ông Dậu còn tiến hành mở trại ươm giống bơ mang tên Dậu Loan tại thị trấn Lộc Thắng. Tiếng lành đồn xa, vườn nhà ông được bà con trong và ngoài tỉnh biết đến. Mỗi năm, trại ươm giống bơ 034 nhà ông cho ra thị trường hàng trăm ngàn cây giống các loại với thu nhập khoảng 3 tỷ đồng.
“Hàng ngày có cả chục đoàn đến vườn nhà tôi để học hỏi kinh nghiệm trồng bơ và mua cây giống. Vườn bơ nhà tôi mấy năm gần đây còn có cả khách nước ngoài như Nhật, Campuchia, Lào... đến thăm...”, ông Dậu cho biết.
Nhiều người hỏi, tại sao lại gọi là giống bơ 034, bơ 034? Câu trả lời chính là hành trình nhân giống bơ quý này và qua cuộc thi vừa nói ở trên của vợ chồng ông Nguyễn Văn Dậu.
Là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, cây bơ 034 - giống bơ vợ chồng ông Nguyễn Văn Dậu đã có công nhân giống đã và đang phát triển rộng khắp và đem lạ hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Nguồn gốc giống 034 đầu dòng dậu loan - Đài truyền hình tỉnh lâm đồn...

Bơ 034 rải vụ thu nhập khủng

VIDEO HƯỚNG DẪN KĨ THUẬT TRỒNG BƠ VÀ 1 SỐ LOẠI THUỐC CHUYÊN DÙNG